Chi tiết

Các bước chế tạo đế van thủy lực

Posted on 12/04/2023 04:04.

Các đế van thủy lực là một thành phần không thể thiếu trong bất kỳ hệ thống thủy lực nào. Hầu hết chúng trông có vẻ khá đơn giản, nhưng để có một đế van đẹp về hình thức, đúng tiêu chuẩn, giá thành phù hợp thì không phải dễ. Chúng ta sẽ tìm hiểu các bước để chế tạo một đế van thủy lực:

Bước 1: Phải có sơ đồ mạch thủy lực của đế van và các van thủy lực sẽ lắp lên đế van.

  • Bước này rất quan trọng, quyết định đến việc đế van bạn làm ra có thể chế tạo được không, và chế tạo ra có sử dụng được không khi ghép nối với các thành phần khác trong hệ thống. Tài liệu kỹ thuật của các van thủy lực sẽ cho ta biết diện tích hoặc không gian chiếm chỗ, lưu lượng lưu thông, qua đó tính toán sơ bộ được giá thành (để chào cho khách hàng).

Bước 2: Đưa ra các phương án bố trí van.

  • Bước này sẽ quyết định đến tính thẩm mỹ và giá thành chế tạo. Có thể nói, đây là bước quan trọng nhất, thể hiện sự sáng tạo và năng lực trong thiết kế. Với một thiết kế cẩu thả, việc gia công và lắp đặt sẽ gặp khó khăn, đồng nghĩa với việc phát sinh chi phí. Với sự trợ giúp của các phần mềm 3D, khối lượng công việc đã giảm đi đáng kể so với cách đây vài năm. Nhưng ý tưởng vẫn là quyết định.

Bước 3: Gia công theo bản vẽ.

  • Bước này sẽ rất dễ dàng nếu bạn làm tốt bước 2.

Bước 4: Kiểm tra.

  • Bạn phải chắc chắn rằng các lỗ khoan đủ chiều sâu theo thiết kế. Nếu chiều sâu chưa đủ thì còn sửa được, còn khoan quá chiều sâu và đụng phải lỗ khác thì thật là thảm họa. Bạn có thể phải làm lại đế van khác. Ngoài ra, đứng về phía khách hàng, nếu nhận được một đế van mà đường thông không đúng yêu cầu, nó có thể là nguyên nhân phá hủy cả một hệ thống đang vận hành và cái giá phải trả khó mà tưởng tượng được.
  • Đồng thời, bạn cũng phải kiểm tra lại vị trí tương quan giữa các lỗ để đảm bảo các van có thể lắp được, và bề mặt làm kín phải đạt độ bóng và không có bất kỳ vết trầy xước nào.

Bước 5: Vệ sinh và chống gỉ.

  • Sử dụng các máy cầm tay chuyên dụng để loại bỏ ba via và các gờ sắc, doa bóng lại các lỗ. Dùng hóa chất tẩy hết dầu mỡ, xịt khí áp suất cao để loại bỏ mạt sắt sau đó ngâm vào dung dịch axit loãng để loại bỏ hết các mạt sắt còn lại. Sau một thời gian nhất định, chuyển qua dung dịch thụ động hóa bề mặt để tạo lớp màng chống gỉ cho đế van.

Bước 6: Sơn hoàn thiện.

  • Dùng băng dính chuyên dụng để dán lên các vị trí lắp van không được phép sơn, tạo nhám (Sa2.5) cho các bề mặt tiếp xúc với không khí để đảm bảo sơn có thể bám chắc. Dùng loại sơn phù hợp để đảm bảo có thể chịu được dầu thủy lực, cũng như các yếu tố về môi trường tại nơi lắp đặt đế van.